Suy Niệm Chúa Nhật XVII TN C – Lời Kinh Đẹp Nhất

112 lượt xem

Lời Kinh Đẹp Nhất

St 18,20-32; Cl 2,12-14; Lc 11,1-13

Bài Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay là trích đoạn từ chương 11,1-13, trong đó tác giả ghi lại cho chúng ta Kinh Lạy Cha, là lời kinh đẹp nhất và ý nghĩa nhất trong kinh nguyện Kitô giáo. Bởi lẽ, lời cầu nguyện này trực tiếp đến từ môi miệng của Chúa Giêsu, do Người dạy. Chúng ta hãy tưởng tượng mỗi ngày trên thế giới có biết bao nhiêu triệu người đọc kinh này để cầu nguyện.

Hơn nữa, lời kinh này ra đời trong bối cảnh đặc biệt sau khi Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha và sống thân mật với Người. Điều đó cho thấy Chúa Giêsu là con người cầu nguyện và là thầy dạy cầu nguyện. Vì thế, các môn đệ đến xin Chúa dạy cho biết phải cầu nguyện thế nào như họ đã thấy Gioan Tẩy Giả dạy các môn đệ ông cầu nguyện. Ở đây, chúng ta cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của Kinh Lạy Cha.

  1. Thiên Chúa là Cha chúng ta

Trước hết, Chúa bảo họ rằng:

“Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển” (Lc 11,2).

Ở đây, Chúa Giêsu dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha khi cầu nguyện, chứ không gọi là Thiên Chúa, là Vua, là Đấng quyền năng, dẫu đó là những danh hiệu dành cho Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là gì? Chúa Giêsu muốn chúng ta đi vào tương quan trước hết với Thiên Chúa như là Cha-con với Người. Đây chính là tương quan nền tảng và là niềm vui của chúng ta với Thiên Chúa. Thiên Chúa là Cha chúng ta bởi vì Người đã tạo dựng và cứu độ chúng ta. Người muốn chúng ta được chia sẻ sự sống và hạnh phúc của Thiên Chúa. Chúng ta hình dung Thiên Chúa của mình theo hình ảnh nào? Có phải như là một ông chủ và chúng ta là đầy tớ? Ở đây, Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy thưa với Thiên Chúa là Cha, hãy đi vào tương quan với Thiên Chúa như là Cha của mình. Thật là vinh dự khi được gọi Thiên Chúa là Cha!

  1. Vì Danh và Nước Chúa

Thứ đến, “xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển.” Danh Thiên Chúa là thánh. Theo Cựu Ước, thánh có nghĩa là tách biệt khỏi mọi sự trần tục.

Ở đây, Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện trước hết cho Danh Cha. Nghĩa là Danh Chúa được ưu tiên trước hết. Điều này có nghĩa là Chúa phải là ở chỗ nhất trong ý nguyện và trong đời sống của chúng ta.

Quả thế, tiền bạc, nghề nghiệp, gia đình, tương quan bạn bè v.v… tất cả là tốt và cần thiết cho cuộc sống, nhưng chúng không phải là chỗ nhất trong đời sống của người Kitô hữu. Thiên Chúa phải ở chỗ nhất. Như thế, chúng ta cầu xin cho “Danh Cha vinh hiển” có nghĩa là xin cho mọi người biết đặt Thiên Chúa ở chỗ nhất trong cuộc sống mình, chúng ta ước mong và khát khao cho mọi người được biết Danh Cha và tôn thờ Danh đó.

Lời cầu thứ hai: “Triều Đại Cha mau đến.” Triều Đại Thiên Chúa là gì và tại sao chúng ta phải xin cho Triều Đại đó mau đến?

Theo một số Giáo Phụ như Origene và các nhà thần học, Triều Đại Thiên Chúa không phải là một nơi chốn, hay là một điều gì nhưng trước hết chính là Chúa Kitô, hiện diện trong chính con người Đức Giêsu. Trong tiếng Hy Lạp, từ autobasilia có nghĩa là chính trong con người Chúa Giêsu. Như thế, Chúa Giêsu chính là Triều Đại Thiên Chúa đến và hiện diện giữa trần gian. Người chính là Nước Trời ở giữa chúng ta. Nước đó được thiết lập cách hữu hình qua việc Chúa Giêsu thiết lập Giáo Hội như là dấu chỉ và phương tiện của Nước Trời.

Triều Đại Thiên Chúa còn có ý nghĩa khác theo thánh Phaolô:

“Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự bình an, hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17).

Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta chân lý, sự thật và quà tặng Thánh Thần. Chúng ta cầu nguyện cho Nước đó được mau đến trong lòng của mỗi người, mỗi gia đình và mọi dân tộc. Chúng ta xin cho chân lý, tình yêu và hoan lạc của Chúa ngự trị, lan rộng và phát triển khắp mọi nơi, trong mỗi người trên thế giới.

  1. Lương thực và ơn tha thứ

Lời cầu xin thứ ba mà Chúa Giêsu dạy là “xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày.” Ở đây Chúa dạy chúng ta cầu xin Chúa Cha ban cho chúng ta có đủ lương thực hằng ngày. Nghĩa là chúng ta xin Chúa ban của cải vật chất để sinh sống. Lương thực hằng ngày là cái ăn, cái mặc, nhà cửa, phương tiện đi lại… Những thứ này là cần thiết cho đời sống con người. Xin Chúa ban những thứ đó để chúng ta có đủ điều kiện sống xứng đáng với nhân phẩm con người và làm con cái Chúa.

Tuy nhiên, theo chú giải của các Giáo Phụ, lương thực hằng ngày còn có ý nghĩa sâu xa hơn, không chỉ dừng lại ở lương thực vật chất, mà còn là lương thực tinh thần. Quả vậy, con người không chỉ sống nhờ cơm bánh nhưng còn sống bởi tình yêu và giá trị tinh thần, tôn giáo. Theo ý nghĩa đó, lương thực hằng ngày đây chính là Thánh Thể và Lời Chúa. Nơi Thánh Thể, Chúa Giêsu hiến mình và trở thành Bánh Thánh để nuôi sống chúng ta. Nơi Thánh Thể, Chúa Giêsu tiếp tục ban Lời hằng sống để nuôi dưỡng đời sống tâm linh con người. Như thế, trong lời xin này, chúng ta xin Chúa Cha cho chúng ta lương thực hằng ngày cả vật chất lẫn tinh thần.

Lời cầu nguyện cuối cùng: “Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người.”

Trong ý nguyện này, Chúa Giêsu dạy chúng ta xin Chúa Cha tha thứ tội lỗi của chúng ta. Bởi lẽ, ai trong chúng ta cũng đã phạm tội, ai trong chúng ta đều là tội nhân. Chúng ta cần được Thiên Chúa tha thứ. Thiên Chúa đã sai Con Một Người đến nhập thể, chết và phục sinh để tha tội cho chúng ta. Người là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian. Chúng ta xin Chúa tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta.

Nhưng để được Thiên Chúa tha thứ, chúng ta cũng phải biết tha thứ cho những ai có lỗi với chúng ta. Chúa dạy chúng ta cũng phải có lòng tha thứ, bao dung và thương xót đối với anh chị em như chính Thiên Chúa đã tha thứ và thương xót chúng ta.

Như thế, Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện đẹp nhất, ý nghĩa nhất của Kitô giáo do chính Chúa Giêsu dạy chúng ta. Mỗi lần chúng ta cầu nguyện, hãy cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha, đồng thời chúng ta cũng xin Chúa cho những ý nguyện đó được thực hiện trong đời sống mỗi người, trong gia đình và xã hội. Amen!

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

———————————

Cầu Nguyện, Phương Dược Chữa Lành

Chúng ta đang sống trong ngôi làng thế giới, cùng chia sẻ một vận mệnh chung của nhân loại với nhiều tiến bộ đổi thay nhờ sự trợ giúp của khoa học kỹ nghệ thông tin. Và chúng ta cũng đang đang chứng kiến, đang đối mặt với sự trỗi dậy của một kiểu “dân chủ tự do thế tục tràn lan” (Lester R. Kurtz). Nhận xét về thế giới chúng ta đang sống thần học gia Hans Kung viết:

Chúng ta ngày nay có khoa học, nhưng không có sự khôn ngoan để phòng tránh sự lạm dụng khoa học. Chúng ta có công nghệ, nhưng không có năng lực tâm linh để có thể kiểm soát sự nguy hiểm khôn lường của một nền công nghệ vĩ mô quá thiên về hiệu suất. Chúng ta có công nghiệp, nhưng không có sinh thái học… Chúng ta có dân chủ, nhưng không có đạo đức để có thể chống lại việc theo đuổi những lợi lộc to lớn của các cá nhân và các nhóm cầm quyền.

Đối diện với thế giới hôm nay, với những tật nguyền và tội lỗi của nó, của mỗi chúng ta, nói như Francis Fukuyama nhận định, chúng ta đang ở giai đoạn “sự tận cùng của lịch sử”, của Xodoma và Gomora thời đại mới. Chúng ta khắc khoải, bi quan khi nhìn vào hiện trạng của thế giới này, nhưng nơi Thiên Chúa, chúng ta có niềm hy vọng: niềm hy vọng vào Lòng thương xót của Thiên Chúa và những tia thánh thiện tốt lành trong lòng nhân thế. Niềm hy vọng này vãi hồi nhân tâm hôm nay bằng lời cầu nguyện:

  1. “Lạy Thầy xin dạy chúng con cầu nguyện”

Trước hết, chúng ta cần thưa lên: “Lạy Thầy xin dạy chúng con cầu nguyện”. Cầu nguyện là một ân huệ mà chúng ta phải nài xin. Con người hôm nay mất nhiều thời gian cho các thiết bị công nghệ điện tử, cho việc giải trí, nhưng không có thời gian cho mạch sống của hữu thể nhân linh, để kết nối với trời cao và những thực tại trần thế. Người ta khô khan, nguội lạnh, dửng dưng. Bởi thế, như các môn đệ, chúng ta phải biết khao khát cầu nguyện và xin ơn cầu nguyện (x. Lc 11,1). Và Chúa sẽ tặng ban cho chúng ta Lời Kinh của Chúa, lời kinh tuyệt mỹ, “bản tóm lược sách Tin mừng”.

Chúng ta chỉ có thể khao khát, chỉ có thể đi vào đời sống cầu nguyện khi chúng ta mang trong mình thổn thức của con tim với những thực tại của con người và thế giới hôm nay, biến nó thành chất liệu của kinh nguyện chúng ta. Với com tim nhạy bén và thổn thức, “Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả (Rm 8, 26). Tiếng kêu mà Đức Giêsu đã thưa lên khi mang lấy thân phận con người. Đức Biển Đức XVI đã nói lên ý nghĩa của Lời kinh của Chúa:

Đức Giêsu cho chúng ta được chia sẻ vào lời cầu nguyện của Người, dẫn chúng ta vào cuộc đối thoại thân mật của tình yêu Chúa Ba Ngôi, thúc dục chúng ta nói lên những nhu cầu của con người để đưa vào trái tim Thiên Chúa. Điều này cũng có nghĩa, lời Kinh Lạy Cha hướng dẫn chúng ta vào con đường cầu nguyện nội tâm, trình bày những định hướng căn bản hiện sinh của chúng ta, giúp chúng ta đồng hình đồng dạng với hình ảnh của Chúa Con.

  1. Chúng ta phải biết “cần cầu xin gì”?

Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng lải nhải như dân ngoại, nhưng pải thực sự đi vào tâm tình và hướng đích của việc cầu nguyện. Đó là…

Xin cho Danh Chúa được nhận biết và triều đại Người hiển trị. Trong thế giới của chúng ta, Thiên Chúa bị loại trừ, Danh của Người dường như bị khai tử, và thay vào đó, người ta truy phong những vị chúa theo sở thích của mình. Con người tôn thờ những ngẫu tượng, những “sản phẩm do tay mình làm ra”, những vị thần thuộc thế giới vật chất và xây đắp cho vương quốc tạm bợ chóng qua. Trong bối cảnh ấy, lời khẩn nài cho sự hiện diện của Triều đại Chúa, cho Danh Chúa được cả sáng, được nhận biết, được chúc tụng và tôn thờ, phải là ưu tiên cho kinh nguyện của chúng ta. Đó là lời khẩn nài cho Danh thánh thiện, Danh khả úy, Danh cứu độ được biểu tỏ trong đời sống nhân loại, đồng thời cũng cho Nước của Tình yêu được hiển trị trong nhân tâm, trong thế giới chúng ta.

Chỉ khi Danh Chúa được nhận biết, được gọi đúng, được kêu cầu, con người mời thoát khỏi cơn cám dỗ sụp lạy các thứ ngẫu tượng; chỉ khi Danh Chúa được tôn vinh, con người mới có thể kiến tạo được nền hòa bình đích thực.

Xin lòng thương xót Chúa. Ý thức thận phận tội lỗi, chúng ta, nhân danh cá nhân và cộng đoàn nhân loại khẩn nài sự tha thứ của Thiên Chúa, Đấng “nhân từ, chậm bất bình, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6). Chúng ta tin rằng “Lòng thương xót là hành động cuối cùng và tối thượng qua đó Thiên Chúa đến gặp chúng ta”, “là suối nguồn của niềm vui, sự thanh thản và bình an” (MV 2). Lịch sử nhân loại, của mỗi chúng ta nhận ra rằng: “Lòng Thương Xót sẽ luôn luôn lớn hơn bất kỳ tội lỗi nào, và không ai có thể đặt ra những giới hạn cho tình yêu của Thiên Chúa, Đấng luôn sẵn sàng tha thứ” (MV 3). Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khẳng định: “Trong thế giới này, người ta không tìm được niềm hy vọng nào khác ngoài lòng thương xót của Thiên Chúa”.

Cuộc cò kè, trả giá giữa Abraham với Thiên Chúa mà bài đọc thứ nhất ghi lại cho thấy khuôn mặt của Thiên Chúa: Đấng luôn yêu thương, yêu thương tới cùng; Đấng nhân nghĩa, đợi chờ, tìm kiếm con người; Đấng đã trao ban chính Con của Người để trả giá cho tội lỗi chúng ta như Thánh Phaolô khẳng định: “Anh em đã chết vì tội lỗi anh em… những Thiên Chúa đã cho anh em được chung sống với Người, đã ân xá mọi tội lỗi, đã hủy bỏ bản văn bất lợi cho chúng ta, bằng cách đóng đinh nói vào thập giá” (Cl 2,14).

  1. Tâm thái cầu nguyện

Cầu nguyện là hiện hữu, là cuộc tương ngộ giữa khát khao của Thiên Chúa và khao khát của con người. Cầu nguyện là hơi thở, là mạch sống của chúng ta. Vậy nên, phải…

Cầu nguyện trong sự tín thác. Chúng ta được mời gọi cầu nguyện nhưng không phải trong tâm thái của kẻ ăn xin hay của gã cầu may số phận theo kiểu “đề đóm”, mà trong niềm tín thác của người con đối với Cha mình, Đấng thấu suốt mọi nhu cầu của chúng ta, và rộng tay ban cho chúng ta dư đầy ân phúc của Người.

Cầu nguyện cách kiên trì. Chúa biết rõ nhu cầu của chúng ta và Người sẵn lòng ban ơn cho chúng ta, nhưng Người đòi chúng ta phải bền gan: bền gan như Abraham đôi co với Chúa, bền gan như người bạn quấy rầy để xin người bạn rủ thương. Phải chăng Thiên Chúa thử thách chúng ta? Tôi thiết nghĩ, Người không thử thách ai, nhưng Người muốn giáo huấn chúng ta: kiên trì trong câu nguyện không nhằm để được ơn này việc nọ cho bằng để khám phá Thiên Chúa nhân từ và quảng đại hơn những gì chúng ta nghĩ tưởng. Người ban tặng chúng ta chính Người, đó là điều tuyệt hảo nhất mà chúng ta kiếm tìm trong cầu nguyện tín thác và kiên trì, đó là điều mà thế giới này đang mong đợi: Danh Chúa cả sáng, Nước Chúa hiển trị.

Quả thực, khi tín thác và kiên trì, kinh nguyện của chúng ta sẽ không bị giới hạn trong những điều nhỏ vật, những nhu cầu thiện cẩn, ích kỉ của chúng ta mà chúng ta tìm kiếm điều thiện hảo hơn, cao cả hơn, đó chính là Thiên Chúa, Nguồn của mọi phúc lành và điều thiện hảo.

Lm. Hoa Thập Tự

Có thể bạn quan tâm